Tin Tức Cập Nhật 24/7

Tin Mới Nhất

HOT VIDEO CHANNEL - TV Bài nói về Biển Đông & TQ cực hay của Trung tương Phạm Văn Dỹ - Chính Ủy QK 7
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Học-Nghệ Thuật. Hiển thị tất cả bài đăng
Hiển thị các bài đăng có nhãn Văn Học-Nghệ Thuật. Hiển thị tất cả bài đăng

Nhà thơ Bùi Chí Vinh - Nhuận bút bất ngờ của ông Võ Văn Kiệt


Ảnh Bùi Chí Vinh ngồi cạnh ông Võ Văn Kiệt ở đầu bàn. Ngồi kế Bùi Chí Vinh là Lê Dụng (con trai nhạc sĩ Hoàng Việt)
Qua chuyện một đại biểu Quốc Hội vạch trần thói chụp mũ những người dám ăn dám nói bằng luận điệu xảo ngôn về cái gọi là “bóng ma thế lực thù địch”, tôi sực nhớ lại những bài thơ từng đọc ở nhà ông Võ Văn Kiệt, Bí Thư Thành Ủy Sài Gòn lúc ông mời tôi đến tư gia. Sở dĩ ông mời tôi là vì nghe đứa “ăng-ten” điềm chỉ viên nào đó tâu hót báo cáo tôi chuyên làm “thơ đen”. Trong bữa tiệc với một số văn nghệ sĩ thành phố, ông Kiệt sắp xếp tôi ngồi cạnh ông ở đầu bàn và bắt tôi phải đọc… thơ đen.

Coi, tôi đứng lên đọc sang sảng một loạt thơ chống bất công xã hội, trong đó có bài SINH NGHI HÀNH, XÍCH LÔ HÀNH, ĐÓI, ĐÓI LIÊN TỤC. Tôi chỉ nhớ tôi đọc đến đâu, ông Kiệt lặng người đến đó, còn trong bàn tiệc thì im phăng phắc. Cuối tiệc, thay vì kêu an ninh làm việc với tôi, ông Kiệt lại trả “nhuận bút” cho tôi một phong bì dày cộm và tuyên bố đây không phải là thơ đen mà là thơ “cực đỏ”, là những bài thơ dám nói thẳng nói thật những sai lầm trong chính sách chủ trương cần được chính quyền nhìn nhận để sửa đổi. Ông định nói riêng với tôi điều gì nữa nhưng tôi nói liền: “Thưa chú Sáu, không có đen hay đỏ ở đây mà đó là thơ từ xương máu nhân dân, khác hẳn loại thơ quốc doanh thơ nghị quyết”.
Ngay lập tức những ly bia giơ lên cụng nhau tới tấp cùng những tràng cười vui vẻ xóa tan không khí nặng nề. Qủa là một kỷ niệm nhớ đời…

SINH NGHI HÀNH

Sinh nghi ta viết một bài hành
Vợ nghi chồng, em út nghi anh
Cha nghi con cái, bè nghi bạn
Thủ trưởng thì nghi hết ban ngành
Láng giềng dòm ngó nghi hàng xóm
Ngoài đường nghi phố chứa lưu manh
Ngay ta khi viết bài in báo
Cũng nghi mình kiếm chác công danh
Trời ơi, mọi chuyện sinh nghi thiệt
Chén kiểu thường nghi kỵ chén sành

Thời buổi công hầu như chén cứt
Thiếu chó, mèo ăn cũng rất nhanh
Mèo ăn cho chó leo bàn độc
Vừa sủa vừa nhai riết cũng rành
Trẻ con khát sữa ai cho bú
Vú mẹ gầy, sâu rúc nồi canh
Quang Trung bỏ núi Tây Sơn xuống
Hoảng hốt vì gương vỡ chẳng lành
Nguyễn Du chỉ một đêm dạo phố
Đoạn Trường ngồi viết lại Tân Thanh
Thuý Kiều phát triển nhiều như thế
Thảo nào đất nước hoá lầu xanh
Nhà tù phát triển nhiều như thế
Sĩ tử làm sao dám học hành

Ta làm thơ mà lòng đứt ruột
Suốt đời bao tử chạy loanh quanh
Lãnh tụ nói: đói quên nghi kỵ
Ơn ấy ngàn năm sáng sử xanh!

ĐÓI

Tôi mang cơn đói về nhà
Các em tôi đứng chờ với cái bụng lò xo
Đôi mắt các em tôi chảy nước miếng
Giá tôi biến được thành cục thịt bò màu tím
Được ram cẩn thận ở nhà hàng Lê Lai

Tôi nắn lên những đốt xương sườn có giá trị ngang những khúc cây
Nơi lồng ngực người yêu tôi hô hấp
Cặp vú của nàng xa lạ với chữ "mập"
Như đứa hiếp dâm xa lạ với nhà chùa
Nếu trời cho tôi có bùa
Tôi sẽ "thư" hết những kẻ ăn cơm một ngày ba buổi

Cơn đói không biết nói dối
Má tôi không biết đánh bài cào
Bà ngoại tôi không biết phi thuyền Phạm Tuân quá giang bay ở hướng nào
Nhưng biết khoai mì thiếu phân sẽ sượng
Biết mỗi tiếng còi công an là mười đồng to tướng

Mỗi ngày tôi lại ra đi
Mặt ngửa tay xin nhiều kiểu cầu kỳ
Sân khấu hóa trang đứng ngồi chồm hổm
Tôi thấy văn học đục tường ăn trộm
Hội họa, thi ca ghé tiệm cầm đồ
Tôi thấy xe hơi cầm lái là bò
Biệt thự mở vào khép ra đầy chó
Heo mặc áo vét cười rung cửa sổ
Mệnh phụ tuột quần đứng ngóng ngã tư
Thấy mắt tôi đui, màng nhĩ tôi ù
Thấy tôi trở về mang theo cơn đói
Ả điếm trở về mang theo hơi thối

Ả điếm được no nhờ bước hai hàng
Tôi được làm người nhờ đói quanh năm

ĐÓI LIÊN TỤC

Nhà hết gạo
Chung quanh một nồi cháo
Mười cái chén gục đầu
Bốn người thất nghiệp, một người đau
Nồi cháo bốc hơi cán bộ
Năm công nhân viên làm toán đố
Đáp số vượt qua giới hạn cộng trừ:
Bốn mươi lăm ký trong lu
Sáu trăm phần ăn một tháng!

Lúa miền Nam gặp hạn
Bình Trị Thiên bão về
Đồng bằng sông Hồng hồi hộp vỡ đê
Sao đọc báo thấy bội thu lương thực
Nghe đài thấy gạo Việt thành cơm Tây cơm Nhật
Xem ti vi thấy thóc nở đầy hình
Thóc tràn vào ngân khố vô danh
Đất nước đang được mùa công trái
Cho lãnh đạo rộng mồm ăn nói
Diễn văn đầy ngũ vị hương
Ôi, hoa màu thần tiên trên các bích chương
Thứ hoa màu trên giấy báo

Đương nhiên
Nhà hết gạo
Và mười người hết máu

Nhà thơ Bùi Chí Vinh

(Dân Luận)

Phạm Cao Hoàng - Trần Hoài Thư, 20 năm in sách tặng bạn đọc


Chiều nay, 18/6/2020, tôi bất ngờ nhận được một món quà văn nghệ của nhà xuất bản Thư Ấn Quán: BÃO, tuyển tập thơ văn của Trần Hoài Thư.

Trần Hoài Thư, 20 năm in sách tặng bạn đọc
Sách in quá đẹp do chính tác giả thực hiện từ A đến Z: tự dàn trang, tự trình bày bìa và ruột, tự in và tự đóng bằng chỉ. Cầm cuốn sách trong tay, tôi thực sự xúc động.

Xúc động vì chặng đường in sách của Trần Hoài Thư đi qua đã 20 năm. Kiên trì và bền bỉ. Tiền bạc và công sức bỏ ra. Hai mươi năm thực hiện những bộ sách đồ sộ - di sản văn chương miền nam 1954-1975 - để tặng thân hữu và bạn đọc. Hồi trước còn có chị Yến – người bạn đời của anh – giúp anh một tay. Năm 2013, chị Yến bị stroke, phải vào ở trong nursing home. Anh ở một mình. Cô đơn trong căn nhà rộng mênh mông. Những bữa ăn đạm bạc. Những giấc ngủ chập chờn.

Như vậy đó, nhưng anh không bỏ cuộc, không đầu hàng số phận. Vẫn ngồi trước computer vui với những con chữ, vẫn xuống basement bấm nút máy in, đánh đu với chiếc máy cắt, cho sách vào phong bì rồi ra bưu điện gửi đi. Bằng tiền lương hưu ít ỏi của mình cộng thêm một ít được hỗ trợ từ các mạnh thường quân, thân hữu và bạn đọc, bằng phương pháp in ấn tiết kiệm và ít tốn kém nhất, trong hai mươi năm Trần Hoài Thư đã in và phát hành hàng chục ngàn ấn phẩm. Người như Trần Hoài Thư chắc chỉ có một chứ không có hai. Trần Hoài Thư thuộc mẫu người sống hết lòng và theo đuổi đến cùng con đường mình đã chọn dù con đường ấy cũng lắm gian nan và không ít thiệt thòi.

Tôi có chút kỷ niệm đáng nhớ trong 20 năm in sách của Trần Hoài Thư. Những năm đầu Trần Hoài Thư làm công việc này cũng là những năm đầu tôi định cư ở Mỹ. Lúc ấy Trần Hoài Thư vừa nghỉ hưu nhưng vợ chồng tôi lại vừa mới đi làm ở miền đất mới. Cuộc sống mới đầy lo âu chỉ mong sao sớm ổn định để lo cho con ăn học, đâu còn thời

gian và tâm trí để mà cầm bút. Trước đó hầu như tôi cũng đã ngưng viết trong 25 năm nên xem như tôi đã tự chấm dứt việc sáng tác của mình rồi.

Tôi vẫn nhận sách báo do Trần Hoài Thư và Phạm Vàn Nhàn gửi tặng đều đặn nhưng không có bải để gửi cộng tác. Cũng ngại lắm nhưng không viết được thì biết làm sao. Năm 2005 tôi nhận được một email của Trần Hoài Thư thúc giục gửi bài: “Ta sẽ lấy bài cũ để đăng nếu bạn không gửi bài mới”. Bị Trần Hoài Thư “dí” sát nút, năm đó tôi viết được hai bài: Khi dừng lại bên dòng Potomac, Rồi cuối cùng cũng phải chia tay. Tuy chỉ có 2 bài nhưng bắt đầu có trớn để tham gia sinh hoạt văn học nghệ thuật cùng bạn bè và những năm sau đó tôi đã có 3 cuốn sách được Thư Ấn Quán xuất bản: Mây Khói quê nhà (2010), Mơ cùng tôi giấc mơ Đà Lạt (2013) , Đất còn thơm mãi mùi hương (2015).

Cám ơn anh Trần Hoài Thư. Nếu không có cái email anh giục gửi bài năm 2005, tôi đã không trở lại với con đường văn học và 3 cuốn sách trên đã không ra đời. Mừng anh vẫn chân cứng đá mềm để tiếp tục con đường anh theo đuổi.

Và bây giờ chúng ta cùng đọc lại một bài thơ tôi viết tặng anh năm 2009: Dù sao vẫn cám ơn đời.

DÙ SAO VẪN CÁM ƠN ĐỜI

Tặng anh Trần Hoài Thư & chị Yến

dù sao vẫn cám ơn đời

cỏ cây và gió mặt trời và hoa

cám ơn những đám mây xa

đang bay về phía quê nhà chiều nay

cám ơn những sớm heo may

lạnh se sắt lạnh bên này đại dương

cám ơn giọt nắng vô thường

lung linh ở cuối con đường khổ đau


mười năm nước chảy qua cầu

chuyện về đất nước là câu chuyện buồn

mười năm sống kiếp tha phương

thân nơi biển bắc mà hồn biển đông

mười năm thương ruộng nhớ đồng

lòng còn ở lại sao không quay về

mười năm nhớ đất thương quê

bước đi một bước nặng nề đôi chân

mười năm một thoáng phù vân

tiếng chim vườn cũ mùa trăng quê người

dù sao vẫn cám ơn đời

biển xanh và sóng núi đồi và em

cám ơn những sáng êm đềm

khói cà phê quyện bên hiên nhà mình

đứng bên bờ vực tử sinh

vẫn nghe em hát bản tình ca xưa
mười năm như một giấc mơ

PHẠM CAO HOÀNG

tranhoaithu16@gmail.com

(FB Phạm Cao Hoàng)

Phạm Phú Minh - Công việc xuất bản và phát hành tại miền Nam trước 1975


Nếu so sánh nền văn học của một quốc gia như là phần trí tuệ và tình cảm của một con người thì việc in sách, phát hành sách, việc mua bán sách lại có thể ví như chuyện ăn uống, tiêu hóa, dinh dưỡng cho cơ thể của con người đó. Ít ra cái này cũng là điều kiện sinh tồn cho cái kia. Sách viết ra mà không có nhà xuất bản coi sóc in ấn, không có nhà phát hành phân phối để tới tay người dân mua về đọc và thưởng thức, thì coi như cuốn sách đó chưa hiện hữu trong đời sống của một quốc gia, của một cộng đồng. 

Phạm Phú Minh: Công việc xuất bản và phát hành tại miền Nam trước 1975
(Đã được tác giả thuyết trình vào ngày 6 tháng 12 năm 2014, trong cuộc hội thảo về Văn Học Miền Nam trước 1975 tổ chức tại Little Saigon, miền Nam California)

Chắc chắn rằng nghiên cứu về chính nền văn học của thời 1954 đến 1975 của miền Nam thì có phần dễ hơn là tìm hiểu một phần nào về việc in, xuất bản và phát hành sách của thời đó. Lý do là sách vở báo chí của thời Việt Nam Cộng Hòa miền Nam dù sao cũng còn có thể tìm lại dễ dàng, còn chuyện làm sao một bản thảo biến thành một cuốn sách, làm sao cuốn sách ấy tới tay người đọc thì chẳng có một tài liệu chính thức nào cả. Những điều chúng tôi sắp trình bày là một bức hình ghép từ nhiều mảnh ký ức,

trước hết từ một số người đã làm công việc xuất bản thời trước 1975 như ông Võ Thắng Tiết (tức thầy Từ Mẫn), nguyên giám đốc nhà xuất bản Lá Bối, như ông Trí Đăng nguyên giám đốc nhà xuất bản Trí Đăng, và bà Võ Phiến là người trực tiếp điều hành nhà xuất bản Thời Mới. Một số người không làm công việc xuất bản nhưng rất gần gũi với thế giới sách vở, như chị Phạm LệHương thời đó trông coi thư viện của Đại Học Vạn Hạnh và là thành viên của Hội Thư Viện Việt Nam; như nhà thơ Thành Tôn người có rất nhiều kinh nghiệm về việc phát hành sách ở miền Trung, đồng thời cũng là nhà sưu tầm hiện lưu giữ khá nhiều tài liệu liên quan đến sách vở miền Nam thời 1954-75, trong đó có việc xuất bản và phát hành. Tôi xin chân thành cám ơn những thân hữu vừa kể, vì không có họ, tôi khó có thể ngồi mà “sáng tác” ra một bài thuyết trình với những con số, những sự kiện cụ thể của một thời cách đây trên dưới nửa thế kỷ.

Điều cần nói trước tiên, ngành xuất bản của miền Nam thời trước 1975 là một hoạt động gần như là hoàn toàn tư nhân. Trừ một vài việc xuất bản do chính quyền làm như Trung Tâm Học Liệu thuộc bộ Giáo Dục hay một số sách vở tài liệu do bộ Thông Tin ấn hành, còn lại cả một khối lượng sách và báo khổng lồ đáp ứng cho việc học hành, nghiên cứu, giải trí cho gần 20 triệu dân từ bờ nam sông Bến Hải cho đến mũi Cà Mau đều do tư nhân soạn thảo, biên khảo, sáng tác, in ấn, xuất bản, phát hành. So với tình hình xuất bản trong nước Việt Nam từ 1975 đến nay tất cả đều do chính quyền nắm giữ, chúng ta thấy tình hình xuất bản như thế của Miền Nam trước 1975 là điều rất lạ, nhưng thật ra trên khắp thế giới, trừ những quốc gia độc tài toàn trị, cung cách sản xuất và tiêu thụ các sản phẩm tinh thần đều như vậy cả. Đó là sinh hoạt tự nhiên của một xã hội tự do.

Nhưng miền Nam của chúng ta vào thời gian 1954 tới 1975 ở trong một tình thế căng thẳng giữa hai phe quốc gia và cộng sản nên sự tự do về xuất bản cũng có phần bị hạn chế. Thời gian từ 1954 cho đến 1975 sách xuất bản phải được kiểm duyệt. Thời Đệ nhất Cộng hòa bản thảo sách phải nộp cho bộ Công Dân Vụ, thời Đệ nhị Cộng hòa nộp cho bộ Thông Tin, nơi đây có nhân viên xem xét kỹ, gạch bỏ những câu chữ không thích hợp, và mỗi trang được thông qua đều có chữ ký của nhân viên kiểm duyệt và con dấu của bộ liên hệ. Nên lưu ý: sở dĩ phải có kiểm duyệt là vì đang có cuộc chiến tranh lạnh (và dần dần nóng lên) giữa hai miền Nam Bắc. Chủ yếu sự kiểm duyệt là nhằm ngăn ngừa tuyên truyền của phía đối phương (cộng sản), chứ hoàn toàn không nhằm hạn chế sự phát triển tự do của trí tuệ con người. Và một khi bản thảo được kiểm duyệt xong, tác giả lãnh bản thảo về, có thể bắt đầu công việc xuất bản. Từ phần này trở đi thì hoàn toàn là tư nhân, theo các quy luật của thị trường.

Bìa tập thơ Giòng Mắt Em Xanh của Tạ Ký đã được kiểm duyệt: có chữ ký của nhân viên kiểm duyệt và con dấu của bộ công Dân Vụ. Chữ “Trả” có nghĩa là giao lại cho tác giả (sau khi đã kiểm duyệt xong).

Mỗi bài thơ được thông qua đều có chữ ký và con dấu kiểm duyệt.

Hình ảnh một đoạn thơ bị kiểm duyệt bỏ: các câu thơ bị gạch xóa bằng bút chì đỏ với chữ ký của nhân viên kiểm duyệt đè lên trên.

Để hiểu thêm về vấn để kiểm duyệt của Miền Nam thời 1954-1975, chúng tôi xin dẫn một số đoạn của nhà văn Võ Phiến từ cuốn Văn Học Miền Nam - Tổng Quan do Văn Nghệ xuất bản tại California năm 2000:

“Liên quan đến chuyện xuất bản trong thời kỳ này, chúng ta nghe nhiều tiếng kêu than về vấn đề kiểm duyệt. Kiểm duyệt, thật ra giới cầm bút Việt Nam phải đối đầu với nó từ lâu rồi, từ hồi Pháp thuộc, Nhật thuộc cho đến nay; dưới các chế độ thực dân, phong kiến rồi cộng sản, chưa bao giờ sách báo Việt Nam được hưởng tự do thực sự. Tuy vậy trước kia ta không có sức chống đối, sau này ở miền Nam sự chống đối bày tỏ công khai và mỗi lúc mỗi ồn ào: công kích trên báo chí, sách vở, phản đối bằng kiến nghị, chế giễu bằng thơ, bằng họa v.v..., dựa trên Hiến pháp mà chống đối thẳng tay. Tú Kếu chẳng hạn réo chửi “mụ già Kiểm duyệt” thậm tệ:

“Mặt vác lên như cái mẹt!

Mõm heo đớp chẳng vừa

Răng chuột chuyên đục khoét

Hôi như bọ hung

Độc hơn bọ chét

Nhìn thấy chữ là cắn là cào

Trông thấy mặt là la là hét!”

(...)

“Kể ra một “mụ Kiểm duyệt” chịu đựng được chừng ấy lời réo chửi dữ dằn thì mụ cũng không có vẻ gì hung tợn. Vả lại xứ sở đang lâm chiến với cộng sản, và thực tế sau 1975 cho thấy rõ là trước đó đã có rất nhiều cán bộ văn hóa cộng sản nằm vùng chấp hành những kế hoạch phá hoại hiểm độc tại Sài Gòn, cho nên chế độ kiểm duyệt bấy giờ không phải không cần thiết. Một số nhà văn như Nguyễn Mạnh Côn hồi ấy trước sau không chịu ký tên vào bất cứ bản kiến nghị chống kiểm duyệt nào.

(...)

“... hồi đệ nhất cộng hòa, kiểm duyệt là công việc của cả một hội đồng liên bộ, chủ tịch là giám đốc nha Báo chí bộ Thông tin; vì vậy kêu rêu có kêu rêu (văn giới lúc nào chẳng kỵ kiểm duyệt?), nhưng nhiếc móc xỉ vả thì chưa có. Về sau, nó tụt dần xuống hàng một sở nằm trong bộ Thông tin, do một viên chánh sự vụ điều khiển; nhân sự ban đầu còn khá, càng lâu kẻ khá rút đi, phải vơ béo vạt tép, dùng đến hạn chẳng có kiến thức gì, ngồi làm mục tiêu cho những giễu cợt xỉa xói của dư luận.”

(các trang 117,118, 119, 120).

Sau đây tôi xin tóm lược một tài liệu khá đặc biệt về nghề xuất bản sách tại Việt Nam Cộng Hòa, vì nó được soạn ra một cách chuyên nghiệp vào cuối năm 1974 bởi ông Lê Bá Kông, Chủ tịch Hội Các nhà in và Xuất bản Việt Nam. Đây là bài nói chuyện bằng tiếng Anh do tác giả trình bày trong cuộc hội thảo quốc tế về “Vấn đề kinh tế của việc sản xuất, ấn loát và phát hành sách” được tổ chức ở Manila (Philippines) từ ngày 26 đến ngày 30 tháng 11 năm 1974. Nguyên văn Anh ngữ của bài này đã được đăng trên báo Saigon Post ngày 9-10 tháng 12 năm 1974, và sau đó được chị Phạm Lệ Hương dịch sang tiếng Việt để đăng trên Thư Viện Tập San, một nội san của Hội Thư Viện Việt Nam trước 1975.

Theo ông Lê Bá Kông, vào thời điểm cuối năm 1974 VNCH có khoảng 180 nhà xuất bản lớn nhỏ, tất cả được thành lập không cần xin phép chính quyền, trong đó chỉ có một số ít hoạt động chuyên về ngành xuất bản một cách có phương pháp và thường xuyên. Nếu chúng ta nhớ lại thì có thể kể ra một số nhà xuất bản thuộc loại này: Khai Trí, Giao Điểm, Lá Bối, Trường Thi, Trí Đăng, Sống Mới, Nam Cường. Ngoài ra rất nhiều nhà xuất bản là do một nhóm hoặc cá nhân các nhà văn nhà giáo tự đứng ra làm với số vốn đầu tư khá khiêm nhường, nhưng có ưu điểm là ấn hành được những quyển sách mà mình mơ ước hay yêu thích, và cũng đáp ứng cho một thành phần độc giả tương ứng trong xã hội. Thời đó người ta gọi đây là những nhà xuất bản “cò con”. Ví dụ nhà Thời Mới của ông bà Võ Phiến đã cho ra đời Những Hạt Cát của Thế Uyên, Mù Sương của Nguyễn Xuân Hoàng, Đêm Tóc Rối của Dương Nghiễm Mậu, Mèo Đêm của Thụy Vũ, Thở Dài của Túy Hồng, Triết Học Hiện Sinh của Trần Thái Đỉnh, Má Hồng của Đỗ Tiến Đức, Hình Như Là Tình Yêu của Hoàng Ngọc Tuấn, Thơ Trắng của Đỗ Tấn và dĩ nhiên các tác phẩm của Võ Phiến như Thư Nhà, Lại Thư Nhà, Đất Nước Quê Hương, Một Mình, Văn Học Nga Xô hiện đại v.v... Cũng có nhà xuất bản chuyên in sách của một số tác giả gần như nhất định, ví dụ An Tiêm in tất cả tác phẩm của Bùi Giáng, Phạm Công Thiện, Nguyễn Đức Sơn v.v... Trường hợp Trí Đăng thì khởi nghiệp bằng một nhà in rồi sau mới thành nhà xuất bản, thoạt đầu in sách văn học như Phi Lạc Sang Tàu của Hồ Hữu Tường, Nhốt Gió của Bình Nguyên Lộc, Chiếc Cầu Trên sông Drina do Nguyễn Hiến Lê dịch, Thương Hoài Ngàn Năm của Võ Phiến... và đặc biệt các tác phẩm đầu tiên của Nguyễn Mộng Giác. Ông giám đốc của nhà Trí Đăng hiện cư ngụ tại San Jose nhớ lại là ông không thành công lắm với việc xuất bản sách văn học, nên chuyển sang kinh doanh sách giáo khoa với sự hợp tác của một nhóm giáo sư của trung học Petrus Ký thì công việc làm ăn rất khả quan. Năm 1974 khi có tin thi Tú tài sẽ theo lối trắc nghiệm, Trí Đăng đã xuất bản bài thi mẫu theo lối mới này và đã đạt được thành công lớn.

Về vai trò các nhà xuất bản gọi là “cò con” này, nhà văn Võ Phiến đã có nhận xét trong cuốn Văn Học Miền Nam-Tổng Quan (đã dẫn) như sau:


“... Về mặt văn hóa, hiện tượng người văn nghệ làm xuất bản đã cải thiện tình thế đáng kể. Văn nghệ sĩ xuất bản thì thường thường về hình thức sách in đẹp hơn, về nội dung sách được chọn lựa tinh hơn giới kinh doanh chuyên nghiệp. Như thế là phải, bởi vì việc trình bày minh họa do các họa sĩ bạn bè thân hữu, việc tìm chọn bản thảo do chính người văn nghệ đảm nhiệm. Người ta nhận thấy các nhà xuất bản này dám chọn dám in những tác phẩm đầu tay của các tác giả chưa có tên tuổi, điều mà giới chuyên nghiệp rất ngần ngại; mặt khác họ lại không bị cái món lợi lớn lao của những sách bình dân, sách tiêu khiển cám dỗ: hình như không có nhà xuất bản nào do văn nghệ sĩ chủ trương mà in loại truyện Kim Dung, Quỳnh Dao, in truyện gián điệp, trinh thám v.v...” (trang 116).

Trong cái nhìn tổng quát của ông Lê Bá Kông thì làm xuất bản cò con nếu có thành công thì cũng trong mức độ nhỏ, vì phần lớn người điều hành còn thiếu kiến thức về quản trị doanh nghiệp và vận động thị trường, về quảng cáo.

Trong bài thuyết trình của mình ông Lê Bá Kông cho biết tại VNCH có khoảng 700 nhà in, trong đó chỉ có độ 20 nhà có khả năng sản xuất được một triệu cuốn sách trong một năm. Ba phần tư trong tổng số nhà in này tọa lạc tại vùng Sài Gòn. Hầu như tất cả vật phẩm dùng cho việc ấn loát đều được nhập cảng từ nước ngoài, thống kê cho thấy năm 1973 giấy sản xuất trong nội địa được 2236 tấn, và phải nhập cảng thêm 40,751 tấn mới đủ cho nhu cầu in ấn. Riêng về mực in thì có ba nhà sản xuất nội địa cho sản phẩm đúng tiêu chuẩn, cung cấp đủ cho ngành ấn loát trong nước. Về kỹ thuật ấn loát thì phần lớn cũ kỹ, trừ một số nhà in tân tiến mới được nhập cảng vào khoảng cuối thập niên 1960 có khả năng in sách đẹp không kém sách của Nhật, Singapore hay Hong Kong.

Về phát hành ông Lê Bá Kông cho rằng còn nhiều khó khăn và thiếu thốn. Mỗi một sơ sở xuất bản có một đường lối phát hành và phương tiện chuyên chở bằng xe đò hay máy bay tùy khoảng cách xa gần của các tỉnh mà họ phân phối sách. Ông cho biết theo điều tra năm 1971-72 VNCH có khoảng 2,500 nhà sách lớn nhỏ trên toàn quốc, trung bình mỗi tỉnh có từ 15 đến 20 nhà, số còn lại tập trung tại Sài Gòn Gia Định. Hàng ngày trung bình một hiệu sách lớn tại trung tâm Sài Gòn có khoảng 5000 khách hàng đến viếng, và có khoảng 3000 cuốn sách các loại được bán ra.

Về thư viện thì trên nguyên tắc mỗi tỉnh hay mỗi quận đều có một thư viện công cộng với đầy đủ sách báo cho độc giả sử dụng. Trong thực tế các thư viện này thường than phiền họ không được cung cấp đủ tài chánh để mua sách báo cho độc giả. Bên cạnh đó có một mạng lưới “thư viện” dân giã suốt từ Sài Gòn đến các địa phương xa xôi nhất, hoạt động rất tích cực và hữu hiệu, đó là các tiệm cho thuê sách. Thống kê cho biết trên toàn quốc có khoảng 3000 nhà cho thuê sách, giá thuê cho một lần đọc chỉ bằng 10% giá cuốn sách. Ông Lê Bá Kông gọi đây là một tệ trạng, nhưng theo ý chúng tôi thì không hẳn như vậy. Trước hết, nhà cho thuê sách muốn có sách cho thuê thì phải mua, và cứ đổ đồng mỗi nhà chỉ mua một cuốn sách mới xuất bản thôi, thì mỗi đầu sách vừa phát hành ít nhất cũng bán được trên dưới 3000 cuốn cho các nhà cho thuê sách rồi. Đây là con số gần như chắc chắn, đó là chưa kể ít có nhà cho thuê sách nào chỉ mua một cuốn mới xuất bản, nhất là các cuốn đang được quần chúng mong đợi. Theo chúng tôi, cho thuê sách trong tình trạng xã hội miền Nam trước kia không những không làm hại gì cho việc xuất bản, mà trái lại đã giúp cho việc tiêu thụ sách một số lượng chắc chắn, và từ đó đã đem sách vở đến với dân chúng trong mọi miền đất nước một cách thường xuyên, nhất là lớp người rất đông đảo không đủ tiền để mua sách, nhưng ham đọc sách; họ có thể có sách đủ loại để đọc với giá đi thuê rất rẻ. Quý vị đừng tưởng các nhà cho thuê sách chỉ mua những cuốn có giá trị xoàng xoàng thích hợp với sự giải trí của độc giả bình dân. Không phải vậy, những nhà cho thuê sách lâu năm trong nghề biết rất rõ khách hàng của họ cần sách rất đa dạng, và họ mua đủ mọi loại, từ các cuốn biên khảo văn học, triết học, lịch sử khô khan đến những tiểu thuyết diễm tình hay kiếm hiệp gay cấn. Thậm chí nhiều học sinh gia đình không được khá giả còn có thể thuê sách giáo khoa, sách luyện thi, thậm chí tự điển nữa, để dùng cho việc học.

Bài thuyết trình của ông Lê Bá Kông còn đề cập nhiều vấn đề như sách nhập cảng, sự quan tâm chưa đúng mức của nhà cầm quyền về xuất bản và phát hành sách thời đó v.v... nhưng chúng tôi xin lướt qua, chỉ xin ghi thêm hai vấn đề:

Thứ nhất, về “đạo tặc sách” (book piracy): tức sự vi phạm quyền tác giả. Cho tới năm 1972, các tòa án tại Việt Nam còn áp dụng các luật lệ từ thời Pháp thuộc, với vài bộ luật từ năm 1880, rất lỏng lẻo với tình trạng vi phạm quyền tác giả. Năm 1970 ông Lê Bá Kông có dịp đi thăm Nhật Bản và được biết về Luật Bản Quyền Tác Giả của Nhật. Khi về nước ông gửi bản sao của luật này đến các nhà làm luật cùng những cơ quan liên hệ của chính quyền, với thỉnh nguyện xin ra một tu chính luật về bản quyền tác giả cho Việt Nam. Kết quả là năm 1972 một vài kẻ đạo tặc sách đã bị Tòa án kết tội phải bồi thường tới hàng triệu đồng và bị phạt tù nhiều tháng.

Thứ hai, một bản thống kê với biểu đồ về tình hình xuất bản tại Việt Nam Cộng Hòa từ 1954 tới 1972, như sau:

Thời gian từ 1954 cho đến 1975 còn một cách viết sách, xuất bản và phát hành rất đặc biệt nữa, mà tôi nghĩ sẽ rất thiếu sót nếu không nhắc tới. Đó là các tiểu thuyết feuilleton trên báo hàng ngày. Chúng ta biết báo chí Việt Nam bắt đầu xuất bản ở trong Nam trước, từ năm 1865 tờ Gia Định báo đã ra đời, trong khi tại đất Bắc tờ Đông Dương Tạp Chí của Nguyễn Văn Vĩnh mãi đến năm 1913 mới ra mắt bạn đọc. Và từ đầu thế kỷ 20, báo chí Nam Kỳ đã bắt chước kiểu đăng tiểu thuyết feuilleton của người Pháp, tức tiểu thuyết đăng từng kỳ trên báo. Truyền thống này còn giữ mãi trong báo chí miền Nam, ngày càng phong phú, đa dạng cho đến ngày 30 tháng Tư năm 1975. Từ 1954 các cây bút như Phú Đức, Ngọc Sơn, An Khê, Bà Tùng Long, Bình Nguyên Lộc, Lê Xuyên... viết truyện đăng báo từng kỳ theo truyền thống của miền Nam vẫn tiếp tục trên báo chí. Một số tác giả miền Bắc vào Nam cũng viết feuilleton, như Hoàng Hải Thủy với rất nhiều truyện phóng tác, Nguyễn Thụy Long với Loan Mắt Nhung, Kinh Nước Đen v.v... Phần nhiều họ viết mỗi ngày, vừa đủ để làm đầy chừng một phần tư hoặc một phần ba trang báo, và nếu có khả năng, một tác giả có thể viết nhiều tiểu thuyết trong một lúc cho nhiều tờ báo khác nhau. Truyện dịch Kim Dung thì báo nào cũng tranh nhau để có sớm nhất, người ta canh giờ máy bay từ Hồng Kong đến Sài Gòn để nhận báo bên ấy gửi về, đem dịch và đăng ngay, vì biết bao nhiêu là độc giả đang chờ đợi. Với tiểu thuyết feuilleton, khi báo phát hành thì một phần cuốn tiểu thuyết (sẽ hoàn thành) của các tác giả cũng coi như được “xuất bản” và phát hành đi khắp nước. Sau khi báo đã đăng hết truyện thì một thời gian sau tác giả sẽ in thành sách để xuất bản, như thế một tác giả khi viết truyện đăng báo thì đã ăn lương của tòa báo, khi in thành sách thì lại có tiền bán sách.

Miền Nam có nhiều nhà xuất bản và làm ăn theo kinh tế thị trường nhưng tình trạng cạnh tranh gay gắt thì hầu như không có, vì mỗi nhà chuyên một loại sách riêng, và mỗi nhà đều giữ cái cung cách trí thức và văn nghệ trong việc “làm ăn” của mình. Nếu gọi là cạnh tranh, đó chỉ là cố gắng nâng cao phẩm chất về nội dung và hình thức sách của mình, về cách tiếp thị và phải coi trọng việc phát hành (độc giả mỗi vùng đa số thích một loại sách khác nhau: chẳng hạn, vùng Lục Tỉnh thường ưa loại tiểu thuyết xã hội của bà Tùng Long, Lê Xuyên...; vùng miền Trung như Quảng Nam, Quảng Ngãi, Thừa Thiên thích sách dịch và các tác giả mới v.v...).

Có những sách bán chạy vì lý do thời thượng. Có thời cuốn Ý Thức Mới Trong Văn Nghệ và Triết Học của Phạm Công Thiện được tiêu thụ rất mạnh, chàng sinh viên nào cũng hay mang theo mình một cuốn như là một trang bị làm chứng cho trình độ trí thức của mình. Có thời cuốn Tâm Tình Hiến Dâng do Đỗ Khánh Hoan dịch thơ Tagore bán rất chạy, chỉ vì cái nhan đề Tâm Tình Hiến Dâng rất thích hợp cho những người nam nữ trẻ tuổi mua để tặng nhau...

Tiếp theo đây là một số ghi nhận khác về tình hình xuất bản và phát hành tại miền Nam trước 1975.

Ông Phạm Việt Tuyền, trong bài thuyết trình trong khóa hội thảo về Sách tổ chức tại Thư viện Quốc gia (Sài Gòn) trong ba ngày 6, 7, 8 tháng 9 năm 1972, sau khi đưa một cái nhìn khá sâu sát về tình hình sách vở trong 18 năm, từ 1954 đến 1972, đã có những lời nhắn gửi đến:

1. Những nhà cầm bút: “... chúng ta cần phải viết ‘sách cho mọi người’ như UNESCO đã hô hào, trước tiên và nhiều nhất là cho những đám đông nhi đồng, những đám đông thanh niên thiếu nữ, những khối đồng bào nông dân ngư dân, những khối đồng bào thợ thuyền, lao động, những khối đồng bào quân nhân, cán bộ... Muốn được như vậy, chúng ta phải thoát ly những hòn đảo lẻ loi như phòng trà, quán rượu để dấn thân vào những môi trường sinh hoạt rộng lớn náo nhiệt như đồng ruộng, như chiến trường, như bến tàu, bến xe, xưởng máy, lều chợ v.v...” Ông Phạm Việt Tuyền cũng nêu cao vai trò của nhà phê bình, là những người nêu cao ngọn đuốc ý thức về các tác phẩm, và phần nào cũng ảnh hưởng tới giới xuất bản và phát hành sách, cũng như với nhà cầm quyền và độc giả nói chung.

2. (Lời ông Phạm Việt Tuyền nhắn với) Các nhà xuất bản và các nhà in sách: “... mong rằng các nhà xuất bản và nhà in nên quan tâm nhiều hơn để trả tác quyền cho xứng đáng và gọn gàng mau mắn, ấn loát sớm các bản thảo đã nhận in và trông coi sửa bản vỗ cho thực đúng.” Ông cũng kêu gọi tránh những cạnh tranh gây tai hại chung.

3. (Vẫn lời ông Phạm Việt Tuyền nhắn với) Các nhà phát hành và các nhà bán sách: “Sách có tới tay bạn đọc hay không là do các nhà phát hành và các nhà bán sách.” Ông thông cảm với các khó khăn của ngành phát hành và bán sách, đồng thời lên án những lối cạnh tranh bất chánh của bọn đầu cơ các sản phẩm văn hóa và nạn cho thuê sách mà ông cho là có hàng ngàn tiệm ở khắp nơi.

Ngoài ra trong phần nhắn gửi chính quyền, điểm quan trọng nhất ông nhấn mạnh là “bãi bỏ chế độ kiểm duyệt sách để gây tinh thần hào hứng cho giới cầm bút, cho giới xuất bản và cho các giới độc giả.”

Nhìn suốt thời gian 20 năm của chế độ quốc gia ở miền Nam, chúng ta đều có thể đồng ý là biến cố đảo chánh lật đổ nền đệ nhất cộng hòa là một dấu mốc quan trọng trong nhiều sinh hoạt của quốc gia. Từ năm 1954 sau khi cuộc kháng Pháp 9 năm chấm dứt, miền Nam đã trở thành một quốc gia với nền Cộng Hòa mới, và mang cái náo nức của công cuộc xây dựng một đời sống vật chất và tinh thần mới, với đồng bào từ Bắc di cư, với miền Trung vừa thoát sự kiểm soát của cộng sản cả một vùng liên khu tư và liên khu 5. Một loạt tác giả mới xuất hiện, với quan niệm phải đổi mới văn học, phải tránh đi trên vết mòn của thời tiền chiến. Thật là một thời khởi sắc trong khuôn khổ một quốc gia nề nếp và nghiêm chỉnh.

Sau năm 1963, riêng đời sống của báo chí và văn học có phần rộn rịp hẳn, và mang nhiều sắc thái mới. Nếu thời đệ nhất cộng hòa đậm nét ảnh hưởng của văn nghệ tây phương thì đệ nhị cộng hòa khuynh hướng đông phương có vẻ trỗi dậy, về mặt sáng tác cũng như khảo cứu, trong đó Phật giáo có vai trò rõ hơn so với thời kỳ trước. Nhật

báo, tạp chí ra nhiều hơn, các nhà xuất bản cũng thế. Nhưng cũng trong thập niên 1960 nhịp độ chiến tranh ngày một nặng nề, ảnh hưởng rõ rệt đến thái độ của người cầm bút, và bom đạn cũng lấy đi mạng sống của nhiều tác giả trẻ đang cầm súng ở chiến trường.

Xuất bản và Phát hành sách vở của một xứ sở là phần nổi của sinh hoạt trí thức nói chung, và riêng đối với văn học nó cũng phản ảnh tình hình sáng tác của giới cầm bút và việc đọc sách của dân chúng. Với một cái nhìn tổng quát, nhờ một nền giáo dục dân tộc và khai phóng --tôn trọng quá khứ, cởi mở trong hiện tại và khuyến khích đi tìm những chân trời mới-- tình hình viết và đọc của miền Nam của chúng ta không tệ, nhiều lúc có thể nói rất náo nhiệt đầy sức sống, mặc dù chiến tranh ngày càng nặng nề.

Phạm Phú Minh

https://www.diendantheky.net/

Phạm Cao Hoàng – Về một bài lục bát không đề của Nguyễn Đức Sơn


Đầu thập niên 90, thỉnh thoảng Nguyễn Đức Sơn đi xe đạp từ Bảo Lộc về Đà Lạt. Khó mà hình dung nổi làm sao anh có thể đạp xe trên một đoạn đường dài như vậy, một đoạn đường mà nếu đi xe đò cũng phải mất khoảng 3 tiếng. Thế mà anh vẫn đi một cách bình thường. Hỏi anh đạp xe có mệt không thì anh cười hì hì, “Không mệt, mà còn khỏe ra”.

Nguyễn Đức Sơn
Nhà tôi ở Đức Trọng, trước khi đến Đà Lạt phải qua chỗ tôi ở, nên trên đường đi anh thường ghé lại thăm tôi. Lần nào ghé lại anh cũng mang cho tôi một ít trà do anh trồng. Tôi quí những gói trà đó lắm, vì đó là tấm lòng của anh. Có khi anh ở lại với tôi một bữa, nhưng phần lớn là chỉ trò chuyện năm mười phút hoặc nửa tiếng rồi lại tiếp tục cuộc hành trình bằng chiếc xe đạp mini cọc cạch của mình. Anh ghé lại chỗ tôi có lẽ là do thuận đường chứ không phải vì mối thân tình, vì anh thuộc lớp đàn anh cả về tuổi đời lẫn tài năng và kinh nghiệm trong lĩnh vực văn chương.

Tôi từng nghe nhiều giai thoại về anh nên mỗi lần gặp anh tôi chú ý quan sát và lắng nghe để có một cách nhìn riêng của mình về con người thuộc loại controversial này. Có nhiều ý kiến trái ngược về cá tính và cách sống của Nguyễn Đức Sơn. Riêng tôi, tôi tôn trọng cá tính và sự chọn lựa trong cách sống của anh, quí trọng tài năng của anh. Từ những lần tiếp xúc ấy, tôi có thể biết một chút vế anh: hiền lành, thông minh, đọc nhiều, hiểu rộng, có một trí nhớ rất tốt, mê đạo Phật, ăn chay trường. Hầu như anh có rất ít nhu cầu về vật chất. Anh ăn uống rất ít, số giờ ngủ mỗi ngày cũng rất ít. Hôm nào anh ở lại chơi là Cúc Hoa nói đùa với tôi, “ Chuẩn bị đêm nay thức cùng Nguyễn Đức Sơn”.

Những đêm thức cùng Nguyễn Đức Sơn ấy, tôi nghe anh đọc một số bài thơ anh viết sau 1975, nghe anh say mê nói về triết lý Phật Giáo, về Ernest Hemingway, về John Steinbeck. Anh chê John Steinbeck là kẻ bất tài. Anh kể chuyện về các con của anh, trong đó có một đứa đã ăn lá cây rừng độc và chết như thế nào.

Anh ca ngợi chị Phượng, hiền thê của anh, như một người phụ nữ tuyệt vời, và anh thường nhắc đến người cha của mình với sự ngưỡng mộ đặc biệt. Anh kể chuyện anh trồng thông, chuyện anh chống lại những kẻ lấn chiếm rừng thông của anh . Càng về khuya, anh càng sôi nổi. Hai ba giờ sáng mà vẫn thấy anh tỉnh táo, không có dấu hiệu gì là mệt mỏi hay buồn ngủ. Khuya quá, tôi nhắc anh cần phải đi ngủ để có sức ngày mai đạp xe tiếp, và anh vui vẻ dừng câu chuyện ngay. Sáng ra, chia tay, nhìn bóng anh lầm lũi đạp xe đi, lòng tôi gợn một nỗi buồn mà tôi cũng không hiểu vì sao mình lại buồn. Bóng dáng anh và chiếc xe đạp mi ni cũ kỹ sau này ám ảnh tôi trong nhiều năm.

Bẵng đi một thời gian lâu tôi không thấy anh ghé lại, cho đến ngày tôi đi Mỹ định cư cũng không có dịp chào anh. Tôi vẫn nhớ về anh với những đêm gần như thức trắng và những gói trà tình nghĩa của anh, nhưng không biết cách nào liên lạc.

Gần đây, qua anh Đinh Cường, tôi có được số điện thoại cầm tay của Nguyễn Đức Sơn. Tôi chọn một tối thứ sáu , để bên quê nhà là sáng thứ bảy, gọi về thăm anh.

Điện thoại bên kia đường dây đổ chuông.

- Vui lòng cho tôi nói chuyện với anh Nguyễn Đức Sơn.

Một giọng đàn ông trả lời cộc lốc:

- Lão đang ngồi trên núi đây.

Đúng là chàng rồi. Tôi vừa mừng, vừa buồn cười. Vẫn là cái cách nói chuyện rất Nguyễn Đức Sơn ấy.

- Phạm Cao Hoàng đây anh Sơn ơi.

- Đ.M. Hôm trước có người quen cho tôi số điện thoại của ông, tôi gọi hoài mà không liên lạc được.

- Chắc là trục trặc sao đó.

Tôi trò chuyện với anh gần một tiếng đồng hồ. Đúng ra, tôi nghe anh nói là chính. Vẫn là chuyện trồng thông, chuyện mấy đứa con. Tôi rất muốn nghe anh đọc thơ nên đề nghị:

- Anh đọc cho nghe một bài thơ của anh đi. Cũ mới gì cũng được.

- Tôi đọc ông nghe bài này, không nhớ là cũ hay mới.

Anh bắt đầu đọc một bài lục bát nói về tình cảm của anh đối với người cha đã qua đời. Nghe xong bài thơ, tôi bàng hoàng. . Những bài thơ viết về mẹ thì nhiều, nhưng viết về cha lại quá ít. Trong số ít ỏi này, theo tôi, bài thơ Nguyễn Đức Sơn vừa đọc là một tuyệt tác ở đề tài này.

Tôi đề nghị anh đọc lại để tôi chép. Anh vui vẻ đồng ý, đọc chậm từng câu.

xưa ông nội đến nơi này

sóng xanh mơ mộng những ngày thanh niên

sáng chiều bơi lội như điên

tập cha vào cõi vô biên một mình

nước vô mặt mũi lềnh bềnh

cha gần ngộp thở nên kình lại luôn

bây giờ biển cũ mênh mông

dẫn con về thở cũng không kịp rồi

một ngàn tư tưởng xa xôi

rừng cao một khoảnh cha ngồi ru con

Tôi hỏi anh tựa đề bài thơ là gì và viết năm nào. Anh nói không nhớ viết năm nào và cũng không đặt tựa đề cho bài thơ.

Tâm trạng của Nguyễn Đức Sơn trong bài thơ cũng là tâm trạng của nhiều người trong chúng ta.

Hình ảnh người cha trong bài thơ là một người cha nghiêm khắc, thương con, bắt con phải khổ công rèn luyện để sau này có thể vững vàng bước chân vào đời.

sáng chiều bơi lội như điên

tập cha vào cõi vô biên một mình

“Bơi lội như điên” và “vào cõi vô biên một mình” là những ẩn dụ, nói đến cái cách người cha chuẩn bị cho con bước chân vào cuộc đời.

Nhưng con thì không nhận ra tình thương đó.

nước vô mặt mũi lềnh bềnh

cha gần ngộp thở nên kình lại luôn

Trong hai câu này anh tiếp tục dùng ẩn dụ để mô tả sự vất vả của anh trong thời kỳ đi học. “Kình” là một từ địa phương thường dùng ở trung bộ và nam trung bộ, đồng nghĩa với “cự”.Đại khái là cha bắt học nhiều, mệt quá, nên anh cự lại luôn. Thật ra, tôi không nghĩ là Nguyễn Đức Sơn đã từng kình/cự lại người cha của mình về việc này, nhưng đây chỉ là một cách để nói rằng khi còn nhỏ anh đã không hiểu được tình thương của cha . Chữ “kình” anh đưa vào câu thơ này đậm chất Nguyễn Đức Sơn.

Lớn lên, nên người, hiểu được , ân hận, thì lúc đó muộn rồi, cha đã không còn nữa.

bây giờ biển cũ mênh mông

dẫu con về thở cũng không kịp rồi

Đây là hai câu thơ hay nhất của bài thơ. “Biển cũ mênh mông” và “thở” là những ẩn dụ tuyệt vời. Chỉ có những thi sĩ tài hoa như Nguyễn Đức Sơn mới viết được những câu thơ xuất thần như vậy.

Bài chỉ có 10 câu, chặt chẽ và điêu luyện từng câu, từng chữ.

Bây giờ thì tôi đã hiểu vì sao những lần Nguyễn Đức Sơn nhắc đến người cha của anh thì anh luôn dành cho ông sự ngưỡng mộ đặc biệt.

Phạm Cao Hoàng

(FB Phạm Cao Hoàng)

Chúng tôi cần dân được đi bỏ phiếu




Xô Viết Nghệ Tĩnh

Sao ông cứ thích làm điều lố bịch
Với non sông và dân tộc Việt Nam
Người lãnh đạo danh giáo sư tiến sĩ
Mà sao không tìm ra việc nên làm?

Ông biết đảng sắp đến ngày sụp đổ
Đang cố công tìm cách cứu đảng nhà
Nhưng không biết thời đảng ông đã hết
Càng cứu càng nhức nhối thối bung ra

Dù phái ông không lấy tiền dự án
Vì phe ông đâu biết dựng công trình
Chúng chỉ biết giữ ngài vàng vị kỷ
Ngồi ăn tiền của bè lũ bất minh

Hai biệt thự Ciputra được biếu
Ai bán bay bán biến thuở ban đầu?
Bức tượng “bác” Formosa đem tặng
Cất trong kho hỏi ai biết mà tâu?

Tự vỗ ngực, mình là vua trong sạch
Dùng báo đài tố người khác phái phe
Dính tham nhũng khi triển khai dự án
Chống ông ư? Sẽ không chột cũng què!

Ông chỉ đạo, dựa hẳn vào Trung cộng
Diệt phái phe bằng “đả hổ diệt ruồi”
Do bắt chước nên coi ngô nghê lắm
Trông khác nào khỉ sờ “ấy”, ông ơi!

Nhận lệnh Tàu quyết diệt phe thân Mỹ
Bằng cách quy tội tham nhũng tràn lan
Quan cộng sản hỏi ai không tham nhũng
Để cho dân dựng bia ngọc tượng vàng?

Bọn tham nhũng diệt cả đời chả hết
Bởi chính ông là đầu đảng tham lam
Tham quyền lực ngồi ăn tiền hối lộ
Mồm hô to để che việc ông làm

Thôi ông xéo! Để cho dân đỡ khổ
Bởi phái ông “đả hổ diệt ruồi” hoài
Chúng tôi cần một anh minh lãnh tụ
Giữ Biển Đông cho con cháu hôm nay

Chúng tôi cần các đồng minh dân chủ
Giúp nhân dân tự quyết định cuộc đời
Đuổi giặc Tàu lũ xâm lăng truyền kiếp
Để Trường-Hoàng về lại Tổ Quốc tôi!
Chúng tôi cần dân được đi bỏ phiếu
Để bầu ra lãnh tụ biết thương người
Bảy mốt năm cảnh nồi da xáo thịt
Diệt trừ nhau đã quá đủ, ông ơi!

Hà Nội, 24/9/2016

Đăng Huy Văn

Đặng Huy Văn - Nay nhờ Trời Phật đã thành Ông!



NAY NHỜ TRỜI PHẬT ĐÃ THÀNH ÔNG!

Hôm nay sinh nhật của mình ư?
Bảy hai năm chẵn quá bất ngờ
Xuống chó lên voi đời lận đận
Để giờ tóc đã trắng phơ phơ

Bị tù năm mới mười một tuổi(*)
Sáng bị bắt vào đến chiều hôm
Được ông tử tù giam cùng trại
Chỉ bảo đường cho biết lối chuồn

Đúng nửa tháng sau ông bị bắn
Một nhà yêu nước lẫn thương nòi
Ai nỡ giết ông? Phường bán nước
Cùng Tàu cố vấn, Cải Cách ơi!

Giá như không gặp người tù ấy
Thì mười một tuổi đã tan xương
Ông tử tù ơi ơn ông lắm
Nếu ông không cứu biết ai thương?

Mới đầu đời đã bao lận đận
Ăn xin, đi ở mướn khắp vùng…
Sau về đi học càng gian khổ
Nay nhờ trời Phật đã thành ông!

Hà Nội, 14/9/2916
Huy Văn Đặng

(*). Cuối 1955 tôi đã bị đội CCRĐ bắt trên đường về quê ngoại cách nhà 30km. Do kiên quyết không khai tên cha mẹ và quê hương bản quán nên chúng đã bắt giam tôi cùng phòng giam với một tử tù. Người tử tù này là một thầy giáo bị vu là "quốc dân đảng phản động". Chính ông tử tù ấy đã chỉ đường cho tôi trốn khỏi trại giam. Nghe mẹ tôi kể lại, ông thầy giáo ấy đã bị đội CCRĐ bắn chết sau đó nửa tháng.


Xem Ông "Đả Hổ Diệt Ruồi"




XEM ÔNG “ĐẢ HỔ DIỆT RUỒI”

Xem ông "đả hổ diệt ruồi"
Giúp dân được mấy trận cười, cám ơn!
Ông là người biết khơi nguồn
Luôn tìm cách biến nỗi buồn thành vui

“Đồng chí” mình được đổi đời
Nên vui chứ sao ông ngồi không yên?
Hay ông đấu đá thành quen
Đều quan "trong sạch", ông tìm diệt ai?

Sao không diệt bọn tay sai
Thân Tàu bán nước người người rẻ khinh?
Rồi về lo giữ lấy mình
Dân nổi giận chẳng nể tình ông đâu!

Cút đi phường liếm trôn Tàu
Bán Hoàng Sa, rước giặc vào Biển Đông!

Hà Nội, 14/9/2016
Đặng Huy Văn
 

Website và blog tiêu biểu

Top ↑ Copyright © 2008. Tin Tức Hàng Ngày - All Rights Reserved
Back To Top ↑